Côn Đảo – nhà tù lớn nhất Việt Nam – điểm tham quan ý nghĩa
Việt Nam có lịch sử dựng nước và giữ nước từ rất lâu đời. Một thứ luôn gắn liền với từng thời kỳ lịch sử vang dội ấy chính là nhà tù. Đây là minh chứng cho lịch sử nước nhà, những tội ác của đế chế thực dân đối với người dân Việt Nam. Trong số ấy, mỗi khi nhắc tới nhà tù Côn Đảo ai ai cũng phải thương xót, chạnh lòng với vùng đất thiêng liêng, nơi an nghỉ của những chiến sĩ cách mạng đã quên mình hy sinh cho sự nghiệp vĩ đại của dân tộc. Đây cũng là nhà tù lớn nhất của Việt Nam, một điểm tham quan đầy ý nghĩa.
Mục lục bài viết
Địa chỉ Côn Đảo – nhà tù lớn nhất Việt Nam
Hệ thống nhà tù Côn Đảo nằm tại trung tâm thị trấn Côn Đảo, huyện Côn Đảo trực thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhà tù Côn Đảo rất gần với chợ Côn Đảo, chắc chắn sẽ là điểm du lịch không thể bỏ qua khi đi du lịch Côn Đảo. Hơn nữa đây lại là một địa điểm hết sức có ý nghĩa với lịch sử nước nhà nên ai trong chúng ta cũng nên đến đây một lần.
Khám phá Côn Đảo – nhà tù lớn nhất Việt Nam
Khái quát chung nhà tù Côn Đảo
Nhà tù Côn Đảo gắn liền với cái tên “địa ngục trần gian”, là địa ngục khiến cả thế giới phải bàng hoàng mỗi khi nghĩ tới. Nơi đây lưu giữ nhiều kỷ vật lịch sử trong thời chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Nhà tù Côn Đảo được thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cho xây dựng từ 1/2 năm 1862 đến 1975 với hệ thống nhà tù và các nghĩa trang. Đây là nơi giam giữ khoảng 200.000 tù nhân và chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong đó khoảng 20.000 người đã chết. Các tử tù, nhân vật quan trọng mà thực dân Pháp cho là nguy hiểm đối với chúng đều bị giam giữ tại hệ thống nhà tù này. Sau đó thì được đế quốc Mỹ sử dụng và tiếp tục giam cầm. Cho tới năm 1975, khi đất nước hoàn toàn độc lập, nhà tù được đưa ra ánh sáng và giải thể, trả lại tự do cho các chiến sĩ, tử tù của ta. Thế nhưng những mất mát, đau thương của các chiến sĩ, đồng bào ta ở đây đã phải trải qua không gì có thể bù đắp được.
Những năm 90 của thế kỷ XX, nhà tù Côn Đảo được khôi phục lại để làm bảo tàng. Trong quá khứ hệ thống nhà tù này là nỗi ám ảnh với những người bị giam cầm còn ngày nay nó trở thành một đia điểm di tích lịch sử thu hút sự chú ý của đông đảo du khách. Nhà tù Côn Đảo được đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt cùng với 17 di tích thành phần.
Nhà tù Côn Đảo được chia thành nhiều khu vực với những chức năng riêng biệt nhưng đều nhằm mục đích chung là nơi giam giữ và tra tấn tù nhân. Nhà tù Côn Đảo thời Pháp gồm có các trại: trại Phú Hải, trại Phú Sơn, trại Phú Thọ – biệt lập chuồng gà và trại Phú Cường – biệt lập chuồng bò, chuồng cọp.
Trại Phú Hải
Trại Phú Hải còn có các tên gọi khác như Banh I, lao I, trại Cộng Hòa, trại 2. Trại được xây dựng năm 1862, là trại giam lớn nhất và lâu đời nhất của hệ thống nhà tù Côn Đảo.
Những phòng giam được thiết kế kỳ dị nhằm khủng bố những người Cộng Sản cả về thể xác và tâm hồn. Vào năm 1896 trại chỉnh trang kiên cố lại có diện tích 12.015m2, trong đó diện tích phòng giam 2.915m2, nhà phụ thuộc 1.531m2; khoảng trống, cây xanh 7.569m2. Trại giam có 33 phòng trong đó gồm 10 phòng giam tập thể, 01 phòng giam đặc biệt, 20 xà lim (hầm đá), 01 hầm xay lúa (thời Mỹ ngụy chuyển thành bệnh xá), 01 khu đập đá.
Phòng giam đặc biệt là phòng chuyên dùng để tra tấn tử tù, 1 hầm xay lúa cho tù nhân lao động và chính nơi này họ bị đày đọa nghiệt ngã. Chúng tận dụng sức lao động của các tử tù một cách tối đa từ 5h sáng tới 17h, làm việc không ngừng nghỉ trong một căn hầm trật trội, ầm ĩ, bụi bặm, u uất.
Ngoài ra để lấy cớ che đậy những tội ác với quốc tế và người dân chúng xây dựng thêm giảng đường, bệnh xá, nhà thờ, nhà bếp, nhà ăn.
Trại Phú Sơn
Trại có nhiều tên gọi như trại 3, Banh II, Lao II, Trại Nhân Vị, được xây dựng năm 1916 với tổng diện tích 13.228m2 trong đó diện tích phòng giam 2.414m2, nhà phụ thuộc 854m2, khoảng trống, cây xanh 9.960m2.
Trại Phú Sơn có kiểu kiến trúc giống với trại Phú Hải. Trại gồm 13 phòng giam tập thể, 01 khu biệt lập có 14 xà lim, 01 phòng tối thêm các công trình phụ như phòng y tế, nhà ăn, nhà bếp, câu lạc bộ, phòng hớt tóc, phòng trật tự, văn phòng giám thị và sân vườn.
Trại Phú Tường
Trại Phú tường có một số tên gọi khác nữa là trại 4, Banh III phụ, Lao III phụ, trại Phu Bác Ái. Trại có tổng diện tích 5.804m2, trong đó diện tích phòng giam là 962m2, nhà phụ thuộc: 152m2, khoảng trống: 4.690m2.
Thực chất đây là khu chuồng cọp kiểu pháp nơi đầy ải rất nhiều chiến sĩ cách mạng. Nơi đây được xây dựng năm 1940 (một số tài liệu ghi năm 1941) có 8 phòng giam tập thể được chia thành 2 dãy, nhà bếp, nhà kho, bệnh xá, sân vườn.
Chuồng Cọp là nơi giam cầm, tra tấn tù nhân dã man và tàn bạo nhất của hệ thống nhà tù Côn Đảo.Tại đây, hàng ngàn tù nhân nam lẫn nữ đã bị hành hạ khổ sai, nhiều chiến sĩ cách mạng, người yêu nước đã hi sinh vì những nhục hình ở nơi này. Họ còn bị lột trần quần áo, phơi nắng phơi sương tới khi nào kiệt sức mà chết gục tại khu phòng tắm nắng với xung quanh là 4 bức tường đá, bọc bởi dây thép gai chằng chịt. Tàn ác như thế nhưng mãi cho tới khi có 5 sinh viên được thả, họ biểu tình thì bức màn tội lỗi của thực dân mới không bị che đậy. Ngày nay mỗi lần tham quan quan nơi này, ai nấy đều phải rùng mình, nghẹn ngào nước mắt.
Khu biệt lập chuồng cọp
Trại được xây dựng năm 1971 với tổng diện tích: 25.741m2, trong đó: diện tích phòng giam 2.562m2, nhà phụ thuộc: 637m2, nhà ở: 173m2, khoảng trống: 22.369m với 384 phòng biệt giam, nhà kho, nhà bếp, văn phòng giám thị, bệnh xá. Quanh trại được bao bọc bởi hàng rào dây thép gai và tường bê tông.
Tới đây bạn sẽ phải rùng mình vì độ tàn ác của thực dân tra tấn dã man cả nam và nữ. Mỹ – Ngụy tân dụng sự khắc nghiệt của thiên nhiên ở Côn Đảo lợp mái tôn thấp để hấp thụ toàn bộ ánh nắng để thiêu cháy tử tù, còn ban đêm tử tù phải nằm dưới lớp đá lạnh toát, dần hao mòn sức khỏe theo năm tháng mà chết. Chúng còn tra tấn tử tù bằng âm thanh, mở cửa ra rồi đóng cửa vào tạo tiếng vang to gây nhức tai óc. Chúng luôn nghĩ là mọi chiêu trò để tàn sát các tử tù.
Khu biệt lập chuồng bò
Khu biệt lập chuồng bò xây dựng 1876, là cơ sở nuôi dê, bò, heo, , gà, vịt, bồ câu để cung cấp thực phẩm cho bộ máy cai trị tù. Ban đầu gồm 2 chuồng nhốt bò, một hầm chứa phân bò, 24 hộc chứa heo. Cho tới năm 1930, thực dân Pháp cho xây dựng thêm 9 phòng giam. Chúng nhốt các tử tù nữ vào chuồng bò, sử dụng hầm phân bò để ngâm người tra tấn. Năm 1963, Chuồng Bò được gấp rút sửa chữa, cải tạo các 24 hộc chứa heo và xây dựng lại thành 3 khu nhà biệt giam A, B, C với 33 phòng biệt giam. Từ năm 1973, Chuồng Bò là văn phòng của tiểu Ban điều tra khai thác thuộc Ban chuyên môn. Sau năm 1975, có tiếng kêu cứu vọng lên từ khu Chuồng Bò, người dân ở đây đã cứu những người bị ngâm ở hầm chứa phân lên nhưng không qua khỏi vì họ đã bị giòi ăn đến tận xương tuỷ.
Trại Phú An
Năm 1968, trại Phú An được xây dựng với tổng diện tích: 42.140m2 trong đó: Diện tích phòng giam 2.556m2, nhà phụ thuộc: 696m2, nhà ở: 27m2, khoảng trống: 38.861m2. Toàn bộ trại bao gồm 20 phòng giam và 8 xà lim được chia làm 2 khu A và B. Ngoài ra còn có nhà bếp, nhà ăn, nhà trật tự để che mắt thiên hạ.
Trại Phú Phong
Trại Phú Phong được xây dựng năm 1962 với tổng diện tích: 3.594m2 trong đó diện tích phòng giam 1.400m2. Trại Phú Phong bao gồm 12 phòng giam tập thể chia làm 3 dãy với mỗi dãy là 4 phòng và thêm khu nhà bếp.
Trại Phú Hưng
Trại Phú Hưng có 20 phòng giam, 8 xà lim được chia thành 2 khu với tổng diện tích 26.200m2, thêm các công trình khác nhiw vọng gác, giám thị, tường rào dây thép bao vây quanh trại.
Lưu ý khi tham quan nhà tù Côn Đảo
- Mặc dù không phải là chùa triền hay miếu điện nhưng nhà tù Côn Đảo vẫn được xem là một điểm đến tâm linh, nơi các chiến sĩ của ta đã hi sinh nên các bạn hãy lựa chọn trang phục kín đáo, lịch sự, tránh ăn mặc hở hang.
- Khi đi tham quan nên ăn nói nhẹ nhàng, tránh nói to gây ồn ào.
- Vé vào cửa nhà tù Côn Đảo là 40.000 đồng/người.
- Thời gian mở cửa từ 7h tới 11h và từ 13h30 phút tới 17h30 phút, các bạn chỉ được đi trong khoảng thời gian này thôi.
Mong rằng những chia sẻ vừa rồi của mình về nhà tù lớn nhất Việt Nam đã giúp cho bạn hiểu hơn về nó. Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã biến nơi đây thành nơi tăm tối nhất của địa ngục trần gian. Hiếm có một nơi nào đó mà mạng sống con người lại rẻ mạt như thế và cũng hiếm có một quốc gia nào đó lại có những con người kiên cường, bất khuất đến thế. Mỗi lần đặt chân tới Côn Đảo là mỗi lần khiến người ta phải đau xót, ngậm ngùi về một thời kỳ lịch sử đầy mất mát.